Đối với một số bạn đọc Việt Nam cái tên George Orwell có lẽ khá xa lạ vì sau 1975 hình như không có cuốn nào của tác giả này được xuất bản, tuy nhiên với một lượng người đọc khác, đây là một cái tên cực kì quen thuộc và nổi tiếng, đặc biệt là với các kiệt tác 1984 hay Trại súc vật,v.v… Ở đây tôi sẽ chỉ nói tới Trại súc vật (Animal Farm).
Trại súc vật là một tác phẩm hầu như luôn có tên trong nhiều bảng xếp hạng sách từ các trang uy tín trên thế giới, thật ra đó là một cuốn sách nhỏ, tôi đọc nó chỉ trong vòng vài giờ.
Câu chuyện bắt đầu ở Điền Trang của ông Jones, một ngày kia con lợn già mang tên Thủ Lĩnh quyết định kể cho mọi loài vật có mặt trong trang trại về một giấc mơ của nó. Giấc mơ ấy kể về một thế giới không có loài người, nơi đó chỉ có các loài gia súc, gia cầm cùng nhau chăm chỉ làm việc và hưởng thụ thành quả lao động của mình trong một sự bình đẳng tuyệt đối. Sau khi con lợn này chết đi, lũ lợn còn lại (được xem là giống loài thông minh) đã cùng các loài thú khác như ngựa Chiến sĩ, ngựa Bà Mập, con dê Muriel, lũ chó, mèo, … soạn ra cương lĩnh họat động, tiến đến khởi nghĩa “vũ trang”, sử dụng bạo lực cách mạng lật đổ ách thống trị của ông chủ. Thời cơ đến, khởi nghĩa thắng lợi vang dội, ông Jones cùng những người làm công bị đánh đuổi khỏi trang trại. Từ đây, những con vật dưới sự dẫn đường của lũ lợn bắt đầu thời kì tự do với Bảy điều răn được dùng làm cương lĩnh hoạt động :
BẢY ĐIỀU RĂN
1. Tất cả các loài hai chân đều là kẻ thù.
2. Tất cả các loài bốn chân hoặc có cánh đều là bạn.
3. Không con vật nào được mặc quần áo.
4. Không con vật nào được ngủ trên giường.
5. Không con vật nào được uống rượu.
6. Loài vật không được giết hại lẫn nhau.
7. Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng.
Với một tư tưởng tiến bộ như vậy, Điền Trang được đổi tên thành Trại súc vật (Animal farm), mọi loài vật đều ra sức làm việc gấp bội lần hơn trước vì từ đây là chúng lao động cho bản thân, cho con cái mình chứ không còn vì loài người tham lam, không biết làm chỉ biết hưởng.
Nhưng, tất cả không chỉ dừng ở đó.
Thời gian qua đi, nhiều, nhiều chuyển biến diễn ra, tưởng như thảy đều hợp lý, đều vì lý tưởng ban đầu, đều vì lợi ích chung của muôn loài. Cho đến khi hết truyện, người đọc cũng như các con vật “thường dân” trong truyện đều không khỏi ngỡ ngàng khi bảy điều răn năm xưa giờ đây chỉ còn một điều duy nhất :
“MỌI CON VẬT SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG, NHƯNG CÓ MỘT SỐ CON BÌNH ĐẲNG HƠN NHỮNG CON KHÁC.”
Đây là một tác phẩm chứa nhiều tầng nghĩa của George Orwell, với lối văn phong tự nhiên giản dị. Chuyện chỉ xảy ra trong phạm vi một trang trại nước Anh với nhân vật là các thứ lợn, bò, ngựa, chim chóc, cừu, dê… thế nhưng tác phẩm lại phản ánh thực tế một cách sâu sắc. Trong suốt câu chuyện, tác giả không lần nào áp đặt suy nghĩ của mình lên người đọc nhưng tự bản thân Trại súc vật, như bất kì tác phẩm văn học xuất sắc nào khác, tự thân nó đã có thể thể hiện rõ thông điệp của mình.
Trại súc vật kết thúc với một câu văn rất thú vị :
“Chúng (bọn súc vật) nhìn lợn rồi lại nhìn người, nhìn người rồi lại nhìn lợn, một lúc sau thì chúng chịu, không thể phân biệt được đâu là người, đâu là lợn nữa.”
Và một chi tiết khác làm nên giá trị của Trại súc vật chính là tính tiên đoán của nó thể hiện sự tinh tường hiếm có của George Orwell đối với đời sống chính trị xã hội. Đọc cuốn sách này t