Thất Huyền Cầm là tập văn xuôi thứ tư, được viết trong giai đoạn sung sức nhất của tác giả Nguyễn Văn Thọ, một ngòi bút đã đến độ chín.
Thất Huyền Cầm là tập truyện gồm 12 truyện ngắn, cũng là những câu chuyện hậu chiến của người lính, song ở đây, người ta nhận ra một Nguyễn Văn Thọ không chỉ từng trải mà qua những chi tiết gạn lọc của đời sống hôm qua và hôm nay, sự quan sát và chiêm nghiệm đã đến lúc chắt chiu, đọng lại, nhìn nhận cuộc sống một cách sâu lắng và trầm tĩnh.
Trong tập truyện ngắn mới này, Nguyễn Văn Thọ vẫn chủ trương lối viết dung dị như đa giọng và chúng ta có thể nói rằng Thất Huyền Cầm là một nỗ lực trên con đường anh khai phá và thử thách chính mình.Tôi không được học về âm nhạc, song may mắn có thân phụ chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Nhiều năm, khi ông còn, thường cùng các nghệ sĩ, nhạc sĩ khác đàn, hát, bàn về âm nhạc cổ. Tôi lắng nghe, quan sát tự thấy, phàm cây đàn nào cũng có âm sắc riêng, nhưng những cây đàn nhiều dây thì giàu giọng điệu, sự hoà âm và sắc thái phong phú hơn. Đàn của ta các cụ thường để phím cao và chính vì vậy khi chơi, nghệ nhân tuỳ theo bài, dùng ngón nhẩn nháy ngay ở một phím mà tạo nên nhiều cung bậc khác nhau, giàu có thêm về cao độ, khắc phục Sự ít dây khi thể hiện nhiều bản hoà tấu. Tôi nghe nói, từ tích Bá Nha - Tử Kỳ, đàn Thất Huyền Cầm gốc ở phía bắc Trung Hoa, ban đầu có năm dây, sau vua Văn Vương và Võ Vương thêm mỗi người một dây thành bảy. Sao lại không năm dây mà lại thêm sáu rồi bảy? Sách cổ viết, dây thêm vào có tên Văn huyền và Võ huyền, biểu cảm thêm trạng thái tình cảm của người.
Nhiều đàn dây từ Trung Hoa đưa về ta, tiền nhân thay dây sắt bằng dây tết từ tơ gai. Tiếng đàn xứ Việt có tiếng nói riêng không giống đàn Trung Hoa. Chất dây khác, âm sắc đàn cũng khác.
Trong những khách nhạc tới đàn cùng cha tôi, cao thấp khác nhau, nhưng thấy phàm những ai chơi đàn đã lâu, dụng đàn điệu nghệ, được các cụ khen thì mỗi khi đàn cất tiếng, giữa buổi trưa yên ắng, dù khi nóng hè hay lúc trời thu mát mẻ, tiếng đàn vọng ra ngoài khu chợ, làm ai cũng muốn nghe, kể cả những người lao động, buôn bán bình dân, vật lộn cả năm với mưa gió ở xóm chợ.
Cuốn văn xuôi thứ tư này của tôi đang nằm trong tay bạn đọc kính yêu, là tập hợp nhiều truyện ngắn, được viết trong một thời gian nhất định, ở những trạng thái sống khác nhau. Tôi cố gắng thể hiện từng câu chuyện tuỳ ở tình huống đời sống chuyện. Mỗi tình thế đòi hỏi chọn một giọng kể cho thích hợp. Hy vọng, sự thể hiện này ít nhiều bạn đọc nhận ra, cùng chia sẻ, đồng cảm. Sách đã tới tay bạn, tức là đàn đã cất lên rồi. Những âm thanh của bảy sợi dây Thất Huyền Cầm đã bay đi. Âm thanh không thể giữ lại. Nó có tạo nên sự khác biệt, để đan hoà vào nhau, theo quy luật những vòng tròn đồng tâm to nhỏ khác nhau? Nó liệu có làm bạn quên chút ít nhọc nhằn trong cuộc sống bộn bề này không? Nếu có, Thọ tôi thực là hạnh phúc.Mời các bạn đón đọc Thất Huyền Cầm của tác giả Nguyễn Văn Thọ.