Được đông đảo fans trinh thám đánh giá là một trong những tác phẩm cuốn hút nhất của Sidney Sheldon, tiểu thuyết Nếu còn có ngày mai không chỉ lôi cuốn trong cách Sidney tạo dựng cốt truyện gay cấn mà hơn cả là cách ông xây dựng hết sức thành công sự phát triển cá tính, tâm lý của hàng loạt nhân vật.
Lòng tin và sự công bằng vốn có tồn tại trong cuộc đời?
Có thể nói, thế giới trong tiểu thuyết Nếu còn có ngày mai của Sidney Sheldon là một thế giới của lừa lọc. Một thế giới nghiệt ngã bóp nghẹt tâm hồn con người, khiến sự tin tưởng và tình yêu như chẳng còn vị trí tồn tại. Tưởng chừng nơi đấy con người sống với nhau bằng những điều dối trá, vì thế mà lòng tin hoặc sự công bằng bỗng trở thành những thứ xa xỉ, một giấc mơ xa vời hay một thứ ảo vọng của những ai chưa trải qua khắc nghiệt cuộc đời. Một thế giới như thế, một cuộc đời như vậy, thực sẵn sàng để nhấn chìm mọi điều tốt đẹp nguyên bản, ban sơ nhất.
Mà Tracy Whitney chính là minh chứng rõ nét nhất cho việc số phận đã xoay vần và biến đổi con người ra sao. Tracy Whitney, một cô gái trẻ, tuổi ngoài 20, xinh đẹp, thông minh. Nhưng bởi cuộc sống cô dường như quá êm đềm, tương lai cô đã quá rộng mở với một gia đình hạnh phúc, một tình yêu trọn vẹn, cùng viễn cảnh về một đám cưới sẽ diễn ra trong tương lai nên Tracy ngây thơ, đơn thuần vô cùng trong cách cô đánh giá, nhìn nhận cuộc sống và con người.
Chính vì thế, khi biến cố liên tiếp xảy đến cuộc đời cô gái: Công ty gia đình phá sản, mẹ cô tự vẫn vì bị lừa đảo, Tracy đã đánh giá mọi chuyện hết sức đơn giản cũng như quá đỗi tin vào chính mình cùng “tính thiện” nơi con người. Cô tự đưa bản thân vào hang cọp, cũng không có bất cứ một sự phòng vệ nào trước bất cứ ai tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của cô, đồng thời Tracy còn vô cùng chậm chạp trong việc thích ứng với hoàn cảnh.
Do vậy, không thể phủ nhận một điều, khoảng 100 trang đầu tiên của Nếu còn có ngày mai, tình tiết truyện trôi qua không chỉ chậm mà còn tạo một sự ức chế không nhỏ với độc giả. Ngoài vì Tracy cứ mãi ngây thơ, dẫu đã trưởng thành hơn qua sóng gió thì vẫn mang ám ảnh của một thời ngây dại còn bởi tác giả như gieo vào lòng độc giả một nỗi hồ nghi, về tính thiện của con người, về hai chữ công lý giữa cuộc đời.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, dẫu thế nào thì sự phát triển tâm lý của Tracy Whitney vẫn cực kỳ hợp lý và cũng thể hiện bút lực khá cao tay của Sidney Sheldon trong cách ông xây dựng cá tính con người. Vì là người ngoài cuộc nên độc giả dễ dàng dùng lăng kính của người thứ ba để phán xét nhân vật trên trang sách. Song hãy thử đặt bản thân vào vị trí của Tracy và tự hỏi, nếu ở hoàn cảnh như thế, ta có đù bình tĩnh, sáng suốt để suy xét mọi trường hợp không? Việc Tracy cứ mãi thơ dại, bám víu vào hết sợi dây này đến sợi dây cứu mạng khác, hết hi vọng này tới hi vọng kia là tâm lý bình thường của con người khi đi vào bước đường cùng; cho tới lúc, cô gái bé nhỏ đầy kiêu hãnh đủ chín chắn nhận ra, để sinh tồn giữa cuộc đời khắc nghiệt thì không thể dựa vào ai khác, cũng chẳng thể tin tưởng ai hoàn toàn ngoài tin vào chính bản thân mình.
Và trong thế giới của Nếu còn có ngày mai, đâu chỉ Tracy là con người duy nhất sự tin tưởng bị chà đạp. Chính mẹ cô, vì lòng tin đặt sai vị trí mà dẫn đến cái chết bi thương. Hay một kẻ lừa đảo thuần thục như Jeff Stevens mà rồi cũng từng đặt tình yêu vào nhầm người.