Brian Moore, người được văn hào Graham Greene xem là một trong những tiểu thuyết gia đương thời mà ông ái mộ, sinh năm 1921 tại Belfast, Bắc Ireland. Cuối Thế Chiến Hai, ông phục vụ trong Bộ Vận tải Quân sự của Anh. Sau chiến tranh, ông làm việc cho Liên Hiệp Quốc ở châu Âu rồi di cư tới Bắc Mỹ năm 1948, làm ký giả và nhập tịch Canada.Từ năm 1955, ông nổi tiếng trên văn đàn với tác phẩm The Lonely Passion of Judith Hearne - Sự Thương Khó Hiu Quạnh Của Judith Hearne, một chuyện kể đầy buốt nhói về nỗi cô đơn và sự tan vỡ các ảo tưởng. Hai cuốn tiểu thuyết kế đó: The Luck of Ginger Coffey - Vận Số Của Ginger Coffey, 1975 và The Great Victorian Collection - Bản Sưu Tập Quí Báu Thời Victoria, 1975 đều được giải thưởng văn chương của Phủ Toàn Quyền Canada. Các cuốn tiểu thuyết khác của ông như Catholics - Người Công Giáo (1972), The Mangan Inheritance - Quyền Thừa Kế Mong Manh (1979), đều nằm trong danh sách đề cử nhận giải thưởng văn học danh tiếng Booker.Riêng cuốn Máu Hồng Y, tên nguyên tác là The Color of Blood - Màu Của Máu, 1987, cùng một lúc được hai giải thưởng, The Sunday Express Book of the Year Award và Canadian Authors Association Literary Award for Fiction. Ông hiện cùng gia đình sống ở Malibu, California, Hoa kỳ.Tuy tác giả không nêu tên quốc gia bối cảnh Máu Hồng Y nhưng xét theo tình tiết, có lẽ đó là Tiệp Khắc, một nước Trung Âu mà đại đa số dân chúng là người Công giáo. Từ năm 1948, Tiệp Khắc (Czech) bị đảng Cộng sản cai trị, và cùng với các nước Cộng sản Đông Âu khác, trở thành chư hầu của Liên bang Sô Viết tàn độc. Cuộc quật khởi “Mùa xuân Praha” 1968 thất bại trước đoàn xe bọc sắt của Sô Viết. Người Nga nhân đó chiếm đóng Tiệp Khắc và kìm kẹp nghiệt ngã hơn. Mãi đến 1989, nhờ chuyển biến ngay tại Nga và vận hội mới của các nước Đông Âu, cuộc “Cách mạng nhung” mới thành tựu, bắt đầu thể chế tự do dân chủ mà không có bạo động, đổ máu.Cuốn Máu Hồng Y, xuất bản năm 1987, viết về cuộc xung đột tối hậu giữa Giáo hội Công giáo với Nhà nước mà thực chất chẳng liên quan tới “Tình yêu Thiên Chúa”. Khi sắp bùng lên một cuộc nổi loạn nhằm lật đổ chế độ Cộng sản, Hồng y giáo chủ Stephan Bem thấy mình bị mắc kẹt và bí lối trong một mạng lưới của những lừa lọc, bạo động và dàn dựng chính trị không chút xót thương. Sau khi may mắn thoát khỏi một lần mưu sát tàn bạo và một cuộc bắt cóc mờ mịt, ông trở thành kẻ chạy trốn, không biết cất chân bước về hướng nào vì bốn phía đều trùng điệp kẻ nghịch.Tuy bối cảnh Máu Hồng Y không phải là Việt Nam nhưng đi vào tác phẩm, độc giả Việt có cơ hội nhìn lại những vấn đề thiết thân như bản chất và cùng đích của tôn giáo; phẩm chất của con người tôn giáo; tương quan giữa tôn giáo và chính trị trong lòng dân tộc… Độc giả cũng sẽ bắt gặp những bóng dáng không xa lạ gì với hoàn cảnh Việt Nam. Một chế độ toàn trị; một mặt xem tôn giáo như một thế lực gây thương tổn và sỉ nhục chính quyền; một mặt muốn sử dụng vài phần tử tôn giáo làm kẻ chính trị ngoại vi cho mình. Những tín đồ “thuần thành” và những tín đồ “yêu nước”. Các khuynh hướng chính trị tuy đối kháng nhau nhưng đều muốn dùng tôn giáo và tín đồ của nó để làm sức lực và phương tiện cho cái gọi là “phục vụ quyền lợi của quốc gia dân tộc” mà thực chất chỉ là tranh đoạt quyền lực…Vào khoảng giữa chín giờ và chín giờ rưỡi tối, chiếc xe hơi đưa ông về Nhà Chung chạy vào Quảng trường Tuyên ngôn Độc lập. Trời mưa, mưa mùa hạ. Trong quảng trường, các bức tượng, các mái nhà và các đài tưởng niệm sũng ướt, trơn mượt; vỉa hè b&