Louis Ferdinand Céline (1894-1961) tên thật: Louis-Ferdinand Destouches, vừa là nhà văn vừa là thầy thuốc. Ông lấy tên bà ngoại, Céline, làm bút danh.
Năm 1912, ông tình nguyện nhập ngũ và giải ngũ năm 1914 với 75% thương tật. Sau đó, ông sang châu Phi tham gia việc chiếm đóng một thuộc địa cũ của Đức là Cameroun; trở về nước năm 1916, với bệnh sốt rét mạn tính. Năm 1918, ông theo học đại học y khoa, từng làm thầy thuốc cả ở New York, Mỹ lẫn Paris, Pháp. Đây là những chi tiết sẽ xuất hiện trong tiểu thuyết đầu tay của ông năm 1932 với tựa đề Hành trình đến tận cùng đêm tối.
Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi vừa ra mắt đã lập tức trở thành một sự kiện lịch sử văn học. Céline đã dựa vào thứ ngôn ngữ truyền khẩu và bình dân mà văn học Pháp đã không biết đến suốt ba thế kỷ, để kịch liệt tố cáo thực trạng xã hội, từ đó tạo ra một sức mạnh chưa từng có và dùng nó đế đặt một nghi vấn siêu hình về con người và thân phận làm người.
Nhiều từ điển bách khoa Pháp đặt Hành trình đến tận cùng đêm tối ngang với các tác phẩm văn học kinh điển và thường dành một mục từ riêng cho tác phẩm và cho rằng tác phẩm đã "được viết với một văn phong méo mó, tràn ngập những lộng ngôn", nhưng cũng phải thừa nhận "tác phẩm đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Pháp hiện đại".
Năm 1995, tờ tuần báo Pháp L’Évènement du Jeudi cùng Đài Phát thanh và Trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến để chọn lấy 10 cuốn sách hay nhất trong văn học Pháp cho thế hệ năm 2000. Kết quả là, cuốn Hành trình đến tận cùng đêm tối được xếp thứ hai, sau cuốn Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, nhưng đứng trên các tác phẩm xưa nay nổi tiếng của Albert Camus, André Malraux, Marguerite Yourcenar hay Jean- Paul Sartre.Mời các bạn đón đọc Hành Trình Đến Tận Cùng Đêm Tối của tác giả Louis Ferdinand Céline.