Louis Ferdinand Céline (1894-1961) tên thật: Louis-Ferdinand Destouches, vừa là nhà văn vừa là thầy thuốc. Ông lấy tên bà ngoại, Céline, làm bút danh.
Năm 1912, ông tình nguyện nhập ngũ và giải ngũ năm 1914 với 75% thương tật. Sau đó, ông sang châu Phi tham gia việc chiếm đóng một thuộc địa cũ của Đức là Cameroun; trở về nước năm 1916, với bệnh sốt rét mạn tính. Năm 1918, ông theo học đại học y khoa, từng làm thầy thuốc cả ở New York, Mỹ lẫn Paris, Pháp. Đây là những chi tiết sẽ xuất hiện trong tiểu thuyết đầu tay của ông năm 1932 với tựa đề Hành trình đến tận cùng đêm tối.
Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi vừa ra mắt đã lập tức trở thành một sự kiện lịch sử văn học. Céline đã dựa vào thứ ngôn ngữ truyền khẩu và bình dân mà văn học Pháp đã không biết đến suốt ba thế kỷ, để kịch liệt tố cáo thực trạng xã hội, từ đó tạo ra một sức mạnh chưa từng có và dùng nó đế đặt một nghi vấn siêu hình về con người và thân phận làm người.
Nhiều từ điển bách khoa Pháp đặt Hành trình đến tận cùng đêm tối ngang với các tác phẩm văn học kinh điển và thường dành một mục từ riêng cho tác phẩm và cho rằng tác phẩm đã "được viết với một văn phong méo mó, tràn ngập những lộng ngôn", nhưng cũng phải thừa nhận "tác phẩm đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Pháp hiện đại".
Năm 1995, tờ tuần báo Pháp L’Évènement du Jeudi cùng Đài Phát thanh và Trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến để chọn lấy 10 cuốn sách hay nhất trong văn học Pháp cho thế hệ năm 2000. Kết quả là, cuốn Hành trình đến tận cùng đêm tối được xếp thứ hai, sau cuốn Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, nhưng đứng trên các tác phẩm xưa nay nổi tiếng của Albert Camus, André Malraux, Marguerite Yourcenar hay Jean- Paul Sartre.
Hoàng Phong
***
Chuyện ấy đã bắt đầu như thế đấy. Tôi thì tôi chẳng bao giờ nói gì đâu. Chẳng nói gì cả. Nhưng Arthur Ganate lại gợi cho tôi nói. Arthur, một thằng bạn sinh viên, cùng khoa y với tôi. Hai đứa gặp nhau ở quảng trường Clichy. Lúc ấy đã sau bữa trưa. Cậu ta có chuyện gì đó muốn nói với tôi. Tôi nghe cậu ta. “Thôi, không ngồi ngoài này nữa, chúng mình về đi”, cậu ta bảo. Tôi về với cậu ta. Thế đấy. Rồi cậu ta bắt đầu câu chuyện. “Ngoài hiên này dành cho khách ăn trứng la-coóc. Chúng mình lại đằng kia đi!” Lúc ấy đường phố vắng tanh, chẳng có ma nào, vì trời nóng bức; xe cộ cũng không, chẳng có gì hết. Trời lạnh thì cũng chẳng ma nào ngoài phố; tôi nhớ rằng chính cậu ta nói với tôi cái ý này: “Dân Paris cứ làm ra vẻ lúc nào cũng bận bịu, nhưng thật ra họ dong chơi suốt từ sớm đến tối. Chứng cớ là khi nào thời tiết không đẹp để họ đi chơi, hoặc lạnh quá hoặc nóng quá thì có thấy họ quái đâu, tất cả còn chúi mũi vào quán cà phê hay quầy bia hơi. Là thế đấy! Họ bảo rằng thế kỷ của chúng ta là thế kỷ tốc độ! Đâu nào? Rồi lại nói đến những thay đổi lớn! Nói thế thôi, thay đổi gì nào? Thật ra chẳng thay đổi cái quái gì cả. Họ chỉ bốc nhau lên đó thôi. Mà cái chuyện bốc nhau thì cũng chẳng mới mẻ gì. Toàn chuyện ngôn từ, mà ngôn từ thì cũng có đổi mới được bao nhiêu đâu! Hai ba cái ở chỗ này, chỗ kia, toàn những đồ nhỏ nhoi, vặt vãnh”. Khoái trí vì gióng được lên những hồi chuông tưởng như là chân lý hữu ích, cả hai đứa chúng tôi ngồi lỳ ở đó, thích thú, nhìn ngó các cô hàng cà phê.
Sau đó, câu chuyện quay về với tổng thống Poincaré vừa cắt băng khai mạc, đúng vào sáng hôm ấy, cuộc triển lãm chó cún; và thế rồi, chuyện tán róc rỉ rả trên tờ Thời báo (Le Temps). Arthur nói chọc tôi: “Thằng cha Thời báo quả là bậc thầy làng báo. Không thể có lấy hai tờ báo như thế để mà bênh vực cái giòng giống Pháp này!” Tôi bảo: “Rõ ràng là cần có một giòng giống Pháp, nhưng làm quái gì có!” Trả miếng hắn ta như thế để tỏ ra rằng tôi cũng là thằng nói năng có sở cứ lắm chứ.
“Có đấy! Có một giòng giống Pháp, mà lại là giòng giống tốt nữa cơ - hắn nhấn mạnh - thậm chí còn là giòng giống tốt nhất thế giới cơ đấy. Chỉ tội một nỗi là rất khỏe bị cắm sừng mà lại cứ nói ngược!” Thế là hắn ta bắt đầu nổi khùng với tôi. Tất nhiên tôi phải tự trấn tĩnh và vững vàng.
“Không đúng đâu. Cái mà cậu gọi là giòng giống, chỉ là một mớ táp nham những kẻ khố rách áo ôm như loại tớ thôi, toàn là một bầy chấy rận, toét mắt, run rẩy trôi giạt vào đất này, lại còn bị đủ thứ đói rét, dịch hạch bám đuổi, những kẻ thất thế khắp bốn phương trời đổ về đây. Họ không còn đi xa hơn được nữa vì biển cả đã ngăn bước chân họ lại. Đấy, nước Pháp và dân Pháp là thế đấy”.
Trầm hẳn giọng xuống và đượm vẻ buồn, cậu ta bảo tôi:
- Bardamu ơi, ông cha mình đáng tự hào lắm, chớ có nói bậy!
- Cậu có lý, Arthur ạ. Cái ấy thì cậu có lý! Luôn luôn hằn học và dễ bảo, bị xâm phạm, bị đánh cắp, bị moi ruột và ngốc nghếch... Ông cha ta đáng tự hào lắm chứ! Cậu có thể nói là thế! Chúng ta có gì thay đổi nào? Giầy tất, không thay đổi; chúa tể, không thay đổi, chính kiến cũng không, hay có chăng thì cũng quá muộn mằn, chẳng còn đáng để trông đợi nữa. Chúng ta bẩm sinh đã là những kẻ trung thành, điều ấy thì rõ quá đi rồi! Lính tráng không