Trong số các tác phẩm đã từng công bố qua hơn 50 năm cầm bút sáng tác của mình, ta thấy nhà văn Sơn Nam thường độc lập sáng tác, rất hiếm có trường hợp cùng đứng tên với tư cách đồng tác giả.
Chuyện Xưa Tích Cũ là một ngoại lệ. Thực ra, ngay từ đầu, Chuyện Xưa Tích Cũ là một tập sách được nhà văn Sơn Nam công bố với tư cách là người sưu tầm và viết lại. Những câu chuyện ta gặp ở đây thật quen thuộc như đã từng đọc, từng nghe kể đâu đó qua sách vở hoặc qua truyền miệng, được phổ biến chủ yếu ở vùng đất phương Nam. Sau khi xuất bản lần đầu Chuyện Xưa Tích Cũ, với sự cộng tác của nhà báo Tô Nguyệt Đình, nhà văn Sơn Nam đã có nhiều sửa chữa và bổ sung, đặc biệt là thêm nhiều mẩu chuyện đã được truyền tụng ở phía Bắc, do đó tập sách thêm phần dày dặn và đầy đủ hơn.
Với mong muốn từng bước giới thiệu với bạn đọc đầy đủ các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam đã công bố từ trước khi trao quyền sở hữu tài sản cho Nhà xuất bản Trẻ, chúng tôi cho xuất bản Chuyện Xưa Tích Cũ, theo bản in năm 2002 của Nhà xuất bản Phụ nữ (Hà Nội) - sách có sự chỉnh lý, hoàn thiện của chính tác giả - và nằm trong bộ sưu tập của cố họa sĩ Nguyễn Việt Hải - người đã thiết kế và trình bày bộ sách Sơn Nam theo hình thức mới như hiện nay.
Đây là tập sách thứ 18 trong toàn bộ tác phẩm Sơn Nam. Tuy chưa là tập cuối cùng được xuất bản lại nhưng Chuyện Xưa Tích Cũ có ý nghĩa riêng của nó. Nó đánh dấu kỷ niệm lần thứ 81 ngày sinh của nhà văn Sơn Nam theo giấy khai sinh (10.12.1926 - 10.12.2006).
Chuyện Xưa Tích Cũ là món quà nhỏ mừng lễ đại thọ của nhà văn Sơn Nam. Mong ông từng bước vượt qua cơn bệnh tuổi già để tiếp tục chuyện trò cùng bạn đọc mến mộ ông qua những sáng tác mới của mình.Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá. Do sự nhầm lẫn của nhân viên hộ tịch, tên khai sinh của ông bị viết sai thành Phạm Minh Tày.
Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu. Sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá.
Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống...
Năm 1960-1961, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam ở nhà lao Phú Lợi. Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học". Toàn bộ các sáng tác của ông được Nhà xuất bản Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền. Ông qua đời ngày 13 tháng 08 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh.Mời các bạn đón đọc Chuyện Xưa Tích Cũ của tác giả Sơn Nam & Tô Nguyệt Đình.