BỨC HOẠ MAJA KHOẢ THÂN của Samuel Edwards là một cuốn tiểu thuyết lịch sử sôi động và hấp dẫn từ đầu đến cuối, một cuốn sách nồng nàn hơi ấm tình yêu Tổ Quốc, tình yêu tự do, công lý, tình yêu nghệ thuật, một cuốn sách phản ánh lịch sử và nghệ thuật trên quan điểm tiến bộ của thời đại chúng ta.
Ít có cuốn sách nào viết về một nghệ sĩ của quá khứ mà lại sinh động, phong phú và chứa đựng được nhiều tư tưởng tốt đẹp đến như vậy. Phải yêu và phải hiểu Gôya đến thế nào, và hơn nữa phải có một tình yêu sâu sắc đối với đất nước và nhân dân lao động Tây Ban Nha như thế nào, phải hiểu và đồng cảm với nghệ thuật và nghệ sĩ đến thế nào… mới có thể tái hiện lại cả một đất nước và con người vĩ đại qua mấy trăm trang sách làm say mê mọi người…
Samuel Edwards, một nhà văn tiến bộ Mỹ chưa phải là một tên tuổi lớn của văn học thế giới, nhưng rõ ràng chỉ với tác phẩm này thôi, đóng góp của ông thật đáng quý và đáng ghi nhận cho thể loại tiểu thuyết lịch sử và thể loại truyện danh nhân.
Nhưng tại sao lại có tiêu đề BỨC HOẠ MAJA KHOẢ THÂN? – Đó là một bức tranh danh hoạ của thiên tài Gôya, kết quả của tình yêu nghệ thuật và của những giây phút đắm say trong tình yêu của nghệ sĩ với Maria Cayettana, một phụ nữ quý tộc lừng danh tiêu biểu cho khát vọng tự do, dân chủ, cho ý chí chống lại triều đình phong kiến mục nát.
Toà án Giáo hội Tây Ban Nha, một công cụ của chế độ chuyên chế tàn ác, đã đưa bức hoạ này ra như một bằng chứng để kết tội hoạ sĩ. Chúng cho rằng vẽ người trần truồng là chống lại Thượng đế, chống lại con người là trọng tội. Nhưng Gôya, với lòng yêu và kính trọng vẻ đẹp của con người, vì những thôi thúc chống lại chế độ chuyên chế tàn bạo đè bẹp con người dưới những tín điều kinh viện học trung cổ của nó, đã dõng dạc trả lời:
- Thân thể trần truồng của đàn bà là tác phẩm tuyệt mỹ của tạo hoá, còn ý thức về sự tà dâm, về sự trần truồng ấy là sản phẩm của bản chất gian manh!
Cần phải đặt bức tranh vào bối cảnh lịch sử đã sản sinh ra nó để hiểu nó và hiểu Gôya, và hiểu vì sao tiểu thuyết này lại mang tên bức tranh ấy, một cái tên có ý nghĩa ẩn dụ, tuyệt nhiên chẳng phải vì muốn khơi gợi một ý nghĩ không lành mạnh nào…
Cuối tiểu thuyết này có những ưu điểm lớn: qua cuộc đời của một nghệ sĩ, nó làm ta hiểu và yêu cả một đất nước, một dân tộc. Dưới ách thống trị tàn bạo của chế độ chuyên chế, những người lao động Tây Ban Nha luôn luôn nung nấu một ý chí đấu tranh cho tự do, công lý. Những con người bình thường ấy là bạn của Gôya, cũng như chính Gôya vĩ đại là con của một người thợ mộc bình thường ở một miền quê. Và khi quân xâm lược Pháp tới, những con người ấy đã đứng lên, cầm vũ khí, vào rừng sâu, chống giặc. Đất nước của những trận đấu bò tót, của những đấu sĩ bò tót (matađo) của những người áo vải, những người cùng khổ, những cô “maja”, đất nước của Xecvantec, của Gôya và của Picatxô sau này… đấy là một đất nước trong đau thương vẫn nồng thắm tình yêu đời, tình yêu công lý.
Những người Việt Nam chúng ta, qua kinh nghiệm của bản thân mình, qua cuộc chiến đấu mấy chục năm cho độc lập, tự do của Tổ quốc, thông cảm sâu xa điều này. Và cuộc đời của một nghệ sĩ vĩ đại như Gôya bao giờ cũng gắn liền với vận mệnh của Tổ quốc và nhân dân mình.
Bản thân cuộc đời Gôya là sôi động và phong phú. Nhưng nếu chỉ qua tóm lược tiểu sử hay qua sự thể hiện vụng về, sơ lược, sự phong phú ấy sẽ bị rơi rụng gần hết. Phải tái hiện lại. Nhưng bằng cách nào? Khô