Tiểu thuyết này đặc biệt dành tặng đồng đội tôi, những người lính can trường trên mặt trận đấu tranh phòng chống ma túy.Bước ra từ cuộc chiến đấu thầm lặng, như chất kháng thể của xã hội chống lại những kẻ gieo rắc cái chết, bao gian truân trên đường đời mà chúng tôi đã trải nghiệm bằng mồ hôi và cả máu xương, đã biến thành nguồn chất liệu sinh động cho cuốn tiểu thuyết này. Một câu chuyện do lính viết từ những gì đã trải, đã thấy, đã cảm trong hiện thực cuộc đấu tranh sinh tử với tội phạm. Hành trình lần tìm ra các sào huyệt ma túy, chui sâu leo cao trong các đường dây, tổ chức tội phạm... của người lính, hẳn không phải một cuộc dạo chơi. Trên con đường vào trận, mỗi bước đi của họ đều nằm giữa lằn ranh sống và chết, vinh quang hay hèn nhát. Bởi, tội phạm không chỉ đón họ bằng những loạt đạn đồng khi chống trả, mà còn giăng đầy những chiếc cạm bọc nhung. Hiểm nguy hay cám dỗ, đều có đặc tính của "quỳ tím", là liều thuốc thử đặc hiệu nhất giúp soi tỏ bản chất con người. Không thiếu những người xông xáo khi chiến đấu, nhưng lại chịu thúc thủ rồi gục ngã trước tiền và quyền.Khi ấy, những lớp vỏ rụng lả tả, bộc lộ những bộ mặt trần không son phấn. Để rồi chính họ lại cản trở bước chân đồng đội trong hành trình truy tìm thủ phạm. Nghiệt ngã là bản chất của mọi cuộc chiến. Trong mặt trận này, tính khốc liệt không chỉ hiện ra qua tiếng súng bắn trả của tội phạm, mà còn quyết liệt trong bản thân mỗi con người khi đứng trước những lựa chọn. Sự chuyển hóa giữa tốt và xấu, thiện với ác, trung thực hay đểu giả... diễn ra không ngừng nghỉ.Cuối cùng, quy luật đào thải sẽ cất những tiếng lạnh lùng, làm bắn ra khỏi quỹ đạo vận động những gì là giả tạo và lạc hậu, nghiền nát trong vòng quay luật đời mọi tráo trở, lừa lọc và phản bội... Cùng lúc ấy, nó tôn vinh những giá trị nhân văn, những mầm thiện trồi lên từ thực địa cuộc xung đột chính - tà.***Mưa rả rích cả tuần, da trời thâm bầm xám ngoét như môi thằng nghiện. Đồi lúp xúp, đìu hiu trong chiều lạnh. Những rạch chè dài hun hút đến vô tận. Lẻ loi những thân cọ chơ vơ, tán lá ủ dột trĩu xuống vì nước, chốc chốc lại rùng rùng, đành đạch khi có dọn gió dưới thung thổi hất lên.Gió mang tối xuống nhanh. Trên con đường dẫn vào xóm Chè trơn như mỡ đổ, thấp thoáng bóng một người đàn bà chửa vượt mặt đang dò dẫm từng bước. Khối bụng lặc lè nhắc nhở chị ta thận trọng, phòng những cú sảy chân bất ngờ. Trên lưng, chiếc ba lô to như chực kéo người ngửa về sau.Ì ạch leo đến giữa đồi, thốt nhiên người đàn bà ngồi sụp xuống vạt cỏ. Thán khí từ phổi tranh đường ra qua mũi, qua mồm. Hơi thở dốc qua đi, chị chống tay vào cỏ, định đứng dậy đi tiếp. Đường về nhà còn xa, phải qua hai mỏm đồi thế này mới tới, mà trời đã nhập nhoạng.Chợt từ đâu le lói một cơn đau, âm ỉ ở vùng lưng dưới. “Chắc do đi bộ quãng đường xa, khó chịu nên em đạp?” Người đàn bà nhìn xuống bụng, cười mỉm rồi quyết định ngồi lại, hy vọng một lát cơn đau sẽ dịu đi. Luồn trong lớp áo mưa, đôi tay người mẹ xoa xoa, vỗ về đứa con trong bụng, thì thào: “Ngủ ngoan, bé bỏng của mẹ!”.Mưa vẫn quất vào mặt, tóc bết dính, dẫn nước luồn lách qua cổ, qua nách, xuống bụng. Người đàn bà run lên bên con đường nhạt nhòa trong mưa. Như là tự nhủ phải về được đến nhà trước khi tối hẳn, chị quả quyết đứng dậy nhưng rồi lại khuỵu xuống. Một cơn đau mới lại đến. Đau thốc từ sau ra trước, tưng tức nơi cửa mình. Hôm trước khám thai, bác sỹ bảo phải hai tuần nữa mới sinh cơ mà. Chị nhìn xuống bụng vẻ nghi hoặc, lo lắng rồi lại như tự trấn an mình. Nhưng sao vẫn đau, đau liên tục, đau theo nhịp vài phút một lần, như thể bị động thai. “Đừng, đừng con ơi, ở lại với mẹ, mẹ chỉ còn mình con!”, trong cơn vật vã tr