Đã có 5
người đánh giá / Tổng đề cử
5.00
Quý độc giả đã đọc chín trăm trang, bộ Anh-hùng Tiêu-sơn, giai đoạn một, mang tên Thầy Tăng Mở Nước. Danh từ Thầy Tăng Mở Nước xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ mười một. Các sử gia tranh luận bao năm về vấn đề: Thầy Tăng đó chỉ vào ai? Ngài La Quý-An? Ngài Vạn-Hạnh? Ngài Lý Khánh-Vân hay Ngài Bố-Đại? Như quý độc giả thấy, tất cả các Ngài, chứ không phải một Ngài.
Cho đến nay, không ai xác nhận danh tự ấy chỉ vào vị nào! Sự thực bấy giờ các tăng sĩ đều quan niệm Đạo pháp, dân tộc là một. Cũng như mới đây, hoàn cảnh đất nước, đã khiến linh mục Lương Kim-Định nêu ra: Linh-mục phải một vai vác Thánh Giá, một vai gánh Non Sông. Còn hầu hết các tăng ni, dù giòng nào, dù chi nào, dù phái nào, cũng ngửa mặt nhìn về thời đại Tiêu-sơn, suy ngẫm hành sự sao cho đúng với tinh thần Đạo Pháp – Dân Tộc là một.
Giai đoạn thứ nhì của bộ Anh-hùng Tiêu-sơn mang tên Thuận-Thiên di sử. Thuận-Thiên là niên hiệu của vua Lý Thái-Tổ. Ngài sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp-Tuất (8-3-974). Nhằm niên hiệu năm thứ năm đời vua Đinh. Băng hà ngày 3 tháng 3 năm Mậu-Thìn (31-03-1028). Nhằm niên hiệu Thuận-Thiên thứ mười chín.
Tuy vua Lý Thái-Tổ lên ngôi vua ngày 12 tháng mười năm Kỷ-Dậu (1009) nhưng theo truyền thống, cho đến hết năm đó, Ngài vẫn dùng niên hiệu Cảnh-thụy thứ nhì của vua Lê ngọa triều.
Năm sau ngày 1 tháng giêng năm Canh-Tuất (1010), Ngài mới đặt niên hiệu Thuận-Thiên. Ngài băng hà tháng ba năm Mậu-Thìn (1028). Như vậy thời gian Thuận-Thiên gồm mười chín năm.
Thời gian Thuận-Thiên được ca tụng như những năm tháng thanh bình, hạnh phúc nhất trong lịch sử tộc Việt. Thế nhưng những người nghiên cứu sử Hoa-Việt, đều không ít thì nhiều đặt các nghi vấn như sau:
– Đầu triều Tống, Nho học chưa mấy thịnh. Thế mà khi Lê Hoàn cướp ngôi nhà Đinh. Tống Thái-Tông hùng hổ sai Hầu Nhân-Bảo, Tôn Toàn-Hưng, Triệu Phụng-Huân, Quách Quân-Bảo… đem mấy chục vạn quân sang đánh, nêu lý do diệt kẻ thoán vị, cướp ngôi vua của ấu quân, khi chúa qua đời. Thế mà giữa đời Tống, Nho học cực thịnh. Triết lý trung quân đề cao, tại sao Lý Công-Uẩm cướp ngôi của nhà Lê, vua tôi nhà Tống lờ đi, hơn nữa còn sai sứ sang phong chức tước cho nữa? Có thực Tống tử tế như thế không? Hay vì dư oai trận Bạch-đằng chưa hết? Hoặc vì lý do nào khác? Thưa sự thực vìø Lý Công-Uẩn là phò mã của vua Lê Đại-Hành. Nho-giáo hết sức đề cao việc vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, vì vua Thuấn là người hiền, hơn nữa Ngài được vua Nghiêu gả hai công chúa là Nga-Hoàng và Nữ-Anh cho. Nay Lý Công-Uẩn cũng là người hiền, cũng là phò mã!
– Tống, Việt, ngăn cách nhau bằng khu núi rừng, mang tên Bắc-biên. Nơi đó có 207 bộ tộc sống như những nước nhỏ. Khi Tống mạnh, theo Tống. Khi Việt mạnh theo Việt. Triều đình cũng như biên thần nhà Tống hết sức dành dân, lấn đất. Thuận-Thiên hoàng đế cùng anh hùng thời đó làm cách nào giữ được, cho đến nay vẫn thuộc Việt?
– Hồi Lê-Hoàn cướp ngôi nhà Đinh, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, đem quân chống lại, gây cảnh tương tàn. Lại còn Ngô Nhật-Khánh mượn quân Chiêm về đánh phía Nam. Thế sao khi Lý Công-Uẩn cướp ngôi vua, bấy giờ chỉ giữ chức vụ khiêm tốn Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Tức coi hệ thống bảo vệ vua Lê. Vậy các quan trấn ở ngoài, cũng như trong triều đâu, mà không chống trả? Nguyên do nào?
– Vua Lý Thái-Tổ, đã cai trị dân như thế nào, mà các sử gia sau này ca tụng công đức đến không tiếc lời?
– Sử nói rằng, thời đại Tiêu-sơn, là thời đại cực thịnh của Phật-giáo. Thế nhưng một người Việt không rõ tên họ, cùng Lưu Trí-Viễn mang một thứ tôn giáo ở bộ lạc Sa-đà về Trung-quốc. Rồi từ đó lập ra triều Hán (Thời Lục-triều). Sau ông ta trở về Đại-Việt tranh dành ngôi vua, gây thành cảnh núi xương sông máu thời mười hai sứ quân. Hành trạng của ông ta ra sao?
Xin độc giả theo dõi trong chín trăm trang, bộ Anh hùng Tiêu sơn, giai đoạn hai, mang tên Thuận-Thiên di sử.